Tin tức
Thị trường bất động sản cuối năm 2022: Trong nguy luôn có cơ
Đây là nhận định chung của các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp tại Hội thảo “Thị trường bất động sản cuối năm 2022: Xu hướng và cơ hội đầu tư”, vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, hiện nay, các ngân hàng đang rà soát khả năng cho vay bất động sản. Nếu những chính sách vĩ mô như chính sách tài khóa, tiền tệ thay đổi và vướng mắc pháp lý của dự án được giải quyết thì thị trường mới có tín hiệu tích cực hơn.
Nguyên do vì, để phát triển một dự án bất động sản, chủ đầu tư cần vốn chủ sở hữu, vốn vay từ ngân hàng, vốn từ các đối tác và vốn nhận thu trước từ khách hàng. Đây là những nhóm vốn chính để triển khai dự án bất động sản nhà ở. Trong đó, phần lớn nguồn vốn đến từ vay ngân hàng. Khi ngân hàng siết chặt tín dụng, bên cạnh các doanh nghiệp bất động sản thì người mua nhà cũng là đối tượng bị ảnh hưởng không kém. Đặc biệt là đối tượng có nhu cầu ở thực, mua nhà lần đầu, hoặc các cặp vợ chồng trẻ từ quê lên thành phố lập nghiệp.
“Nhu cầu an cư của các cặp gia đình trẻ, lao động trẻ tại các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội là rất lớn. Ai cũng vậy, an cư rồi mới lạc nghiệp. Do đó, đối tượng khách hàng này cần được tạo điều kiện và quan tâm hơn”, ông Khương nói.
Nhận định về thị trường trong thời gian tới và “mách nước” cho người có nhu cầu mua bất động sản, ông Khương cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, sẽ không có nhiều biến động, nguồn cung mới cũng không nhiều. Những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính lớn sẽ phải tìm cách đẩy hàng ra, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn tiền hoặc sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ thấp.
Còn đối với những khách hàng trẻ, nguồn lực chưa đủ lớn thì có thể tìm đến các thị trường vùng ven
“Nguồn cung tại TP.HCM và Hà Nội sẽ không đột biến, tính thanh khoản cũng thấp…, nhưng giá nhà sẽ tiếp đà tăng. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản vùng ven, giải quyết bài toán nhà ở cho phần lớn người lao động”, ông Khương nói.
Dưới góc độ vĩ mô, TS.Lê Sĩ Trí, chuyên gia kinh tế cho biết, thách thức đối với thị trường bất động sản vẫn luôn hiện hữu trong những tháng cuối năm, bên cạnh đó vẫn luôn có cơ hội. Cụ thể, 3 chính sách lớn của Nhà nước (Nghị định 44/2022; Nghị quyết 18; Nghị định 65/2022) dần đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, thị trường cũng đang dần minh bạch và lành mạnh hơn. Các đòn bẩy về tài chính sẽ được cải thiện, room tín dụng cũng sẽ được nới trong thời gian tới. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu cũng tăng, từ 20 triệu người (năm 2019) tăng lên 24 triệu người (2021), dự kiến tăng lên 27 triệu người trong năm 2025.
“Khi tầng lớp này tăng thì tăng nhu cầu chi tiêu cũng sẽ tăng, theo đó, mặt hàng bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi khi thu nhập và nhu cầu mua sắm tăng. Chưa kể, tốc độ đô thị hóa cũng tăng từ 35% (2019) lên 37% (2021), dự kiến sẽ lên 40% (2025). Với những yếu tố này thì hy vọng thị trường bđs sẽ bớt ảm đạm trong thời gian tới”, TS.Lê Sĩ trí nhận định.