Tin tức
Khơi dậy tiềm năng, phát huy nguồn lực từ đất đai
Chiều 25/4, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 252 Luật Đất đai năm 2024 với sự chủ trì của Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế Nguyễn Chi Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Thông tin tại cuộc họp, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ: Ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15). Luật này có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025.
Luật Đất đai có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…
Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 252 Luật Đất đai. Nghị quyết nhằm hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai. Đồng thời, qua đó tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong tiếp cận đất đai, vướng mắc về pháp lý cho các dự án có liên quan đến sử dụng đất đai cũng như liên quan đời sống người dân.
Theo đó, Nghị quyết này sửa đổi, bổ sung Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Đối tượng áp dụng là cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai; người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.
Đăng bởi Phú Khang Land
Nghị quyết được xây dựng dựa trên chính sách sửa đổi, bổ sung Điều 252 Luật Đất đai theo hướng cho phép Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Để triển khai tốt cần tổ chức thực hiện các giải pháp: Có sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng từ Trung ương xuống cơ sở, các cấp chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải thích quy định của Nghị quyết nhằm nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân; tăng sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân; cần có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật để quy định các văn bản hướng dẫn trong quá trình thực hiện.
Tại cuộc họp, thành viên Hội đồng thẩm định đã thông tin về tiến độ soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Hầu hết các ý kiến đều đề nghị làm rõ căn cứ cần thiết xây dựng Nghị quyết, tính khả thi của thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là 1/7/2024, tính đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và nguồn lực thực hiện.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế Nguyễn Chi Lan đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Trong đó cần làm rõ căn cứ về việc lựa chọn hình thức văn bản là Nghị quyết, việc lựa chọn thời điểm Luật có hiệu lực từ 1/7/2024, đồng thời tiến hành đánh giá tác động các quy định có hiệu lực sớm.